Xuất khẩu tôm năm 2016, dự báo 2017 (10-01-2017)

Ngành tôm năm 2016 đối mặt với rất nhiều áp lực từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, thị trường tôm vẫn ổn định tăng với nguồn xuất khẩu lớn.
Xuất khẩu tôm năm 2016, dự báo 2017
Ảnh minh họa

Mặc dù tình hình hạn mặn và dịch bệnh làm ảnh hưởng nhiều tới nuôi tôm nước lợ trong hơn nửa đầu năm, song mưa nhiều trong những tháng cuối năm, độ mặn giảm… cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp trong việc kiểm soát dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch tăng vào những tháng cuối năm. Diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2016 của cả nước ước đạt 700.000ha, tăng 0,72% so với kế hoạch. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 650 nghìn tấn. Tại các tỉnh ĐBSCL, sản lượng tôm sú ước đạt 260 nghìn tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 390 nghìn tấn.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta vẫn cán mốc 3,1 tỷ USD trong năm 2016, tăng gần 4% so với năm 2015. Thắng lợi lớn nhất của ngành tôm nước ta là lần đầu tiên có một Tập đoàn thủy sản được đưa ra khỏi danh sách áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu vào Mỹ. Không chỉ giúp mở rộng được thị trường, mà điều này còn góp phần nâng cao tính cạnh tranh đối với con tôm Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của Việt Nam đạt 604,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 23,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm trong 10 tháng đầu năm. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam chiếm tỷ trọng 75% tổng nhập khẩu tôm từ Việt Nam; tôm sú chiếm 22% và tôm biển 3% trong 9 tháng đầu năm nay. Trong giai đoạn này, tôm chân trắng chế biến (HS 16) xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ gấp 1,8 lần tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03). Nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ tăng lần lượt 10% và 6% về khối lượng và giá trị. Việt Nam hiện đứng thứ 5 về khối lượng tôm cung cấp cho Mỹ, chiếm trên 10% tổng khối lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ.

Trong tháng 11/2016, xuất khẩu tôm sang EU đạt 50,5 triệu USD; tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 548 triệu USD; tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015. EU vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam. EU ưa chuộng các sản phẩm có giá hợp lý như tôm thẻ chân trắng. Trong 9 tháng đầu năm, tôm thẻ chân trắng chiếm 72% tổng giá trị tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU, tôm sú chiếm 18% và tôm biển chiếm 10%. Anh tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của tôm Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt trong năm 2016, dịch bệnh trên tôm tại Trung Quốc khiến nhu cầu nhập khẩu tôm của nước này càng tăng cao. Trong năm 2016, tại các vùng nuôi trọng điểm, sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc đã giảm 30-40%, khiến nước này thiếu hụt khoảng 500.000 – 700.000 tấn tôm. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu trong nước không ổn định cũng tác động tiêu cực đến ngành sản xuất và chế biên tôm của Trung Quốc. Giá tôm tăng cao kỷ lục lên mức 90 NDT/kg (tương đương 13 USD/kg) tại một số vùng nuôi tôm chủ lực hồi tháng 4/2016 sau đó quay đầu giảm mạnh từ mùa hè và tới tháng 12, giá tôm đã thấp hơn mức giá tôm cùng kỳ năm 2015.

Năm 2016 còn là năm đánh dấu thắng lợi của ngành tôm về mặt mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp tôm còn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng để xuất khẩu và cung ứng nội địa. Sự đa dạng này sẽ tạo nên diện mạo mới cho ngành tôm trong thời gian tới.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương nhờ nhu cầu nhập khẩu của thị trường tăng cao, đặc biệt sau khi Việt Nam đã áp dụng các biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh hiệu quả, đảm bảo cung cấp sản phẩm tôm chất lượng cao cho các thị trường khó tính. Ngoài ra, giai đoạn 2016 - 2018 là thời gian mà đa số các hiệp định thương mại thế hệ mới đã và sẽ có hiệu lực, tôm Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng thị phần. Trong khi đó, sản lượng tôm các quốc gia đang có xu hướng giảm (như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc ...), sẽ ảnh hưởng đến giá bán và giá tôm đang có chiều hướng tăng 10 - 15%. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động phù hợp và có kỹ năng nên doanh nghiệp sẽ có ưu thế trong việc sản xuất những sản phẩm giá trị gia tăng cung cấp cho thị trường.

Hương Trà (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác